Các truyền bản An Nam chí lược

Theo bài "Tựa" (giới thiệu ở bên dưới) của Học sĩ Âu Dương Huyền, thì trong năm Thiên Lịch (1328-1329) đời Nguyên Văn Tông, ông cùng với một số văn nhân khác được nhà vua cho làm chức Toản tu để soạn bộ Kinh Thế đại điển. Đến khi làm xong định dâng lên vua, thì có Đại học sĩ Hà Vinh dâng cuốn An Nam chí lược (gồm 20 quyển) của Lê Tắc, khiến vua ban chiếu giao cho thư cuộc, làm thành một quyển An Nam phụ lục để thêm vào bộ Kinh Thế đại điển, xếp ở mục "địa quan" (tức sử địa)...Tiếc rằng bộ sách này sau đó đã thất truyền.

Qua đầu đời nhà Minh, An Nam chí lược lại được chép trong bộ Vĩnh Lạc đại điển (soạn 1403, xong 1408), nhưng phần chép ấy sau đó lại bị thất truyền, nên không rõ A Nam chí lược trong Vĩnh Lạc đại điển (và cả trong Kinh Thế đại điển) chép ra sao. Chỉ biết đến khi Thanh Cao Tông (Càn Long) giáng chỉ soạn bộ Tứ khố toàn thư tổng mục đề yếu, và An Nam chí lược được đưa vào, thì nó chỉ còn 19 quyển[52].

Tóm lại, An Nam chí lược từng có mặt trong cả ba bộ sách lớn (được coi là "bách khoa toàn thư Trung Quốc"), và đã được nhiều danh sĩ khen ngợi trong các bài Tựa. Tiếc rằng Bản nguyên gồm 20 quyển đã thất truyền từ lâu, hiện giờ chỉ còn bản 19 quyển đang được lưu hành. Tuy vẫn có bản 20 quyển như: bản Văn lan các ở Tokyo (Nhật Bản), Bản sao của British Museum (Luân Đôn, Anh),...nhưng kỳ thực các bản ấy chỉ lấy bản 19 quyển phân chia thành 20 quyển mà thôi...[52]

Theo GS. Nguyễn Huệ Chi, thì sau năm 1339, An Nam chí lược (20 quyển) mới được san khắc lần đầu, nhưng bản ấy về sau đã thất lạc[4]. Tuy nhiên, căn cứ nội dung bài Tựa (không đề năm) của Âu Dương Huyền (xem bên dưới), thì rất có thể sách được san khắc lần đầu trong khoảng niên hiệu Chí Nguyên (1335-1340, đời Nguyên Huệ Tông).

Bản An Nam chí lược thông dụng bấy lâu nay là san bản của nhà Lạc Thiện đường do Kishida Ginko (phiên âm tiếng Việt là Ngạn Ngâm Hương, người Nhật Bản) ấn hành năm Minh Trị thứ 17 (tức năm Quang Tự thứ 10 của triều Thanh, 1884) tại Thượng Hải (Trung Quốc). Trong bài Tựa, ông cho biết đây bản của Thiếu Thiềm Tiền Trúc Đinh tự tay hiệu chính, và trước kia nó thuộc tàng thư cũ của Ngũ Nghiện lầu[53]. Bộ sách này chỉ có 19 quyển, và đã được Phan Duy Tiếp dịch rồi in rônêô tại miền Bắc Việt Nam vào năm 1959[4].

Ngày 31 tháng 3 năm 1960, sau khi đã tổ chức phiên dịch, Ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam trực thuộc Viện Đại học Huế đã giới thiệu một bộ An Nam chí lược mới. Theo "Phàm lệ", thì Ủy ban đã lấy bản của Lạc Thiện đường, bản sao của Tiền Đại Hân tự tay hiệu đính (hiện tàng trữ tại Nội các Văn khố Nhật Bản), bản sao của Văn lan các (hiện tàng trữ tại Đông Kinh Tỉnh Gia đường văn khố) và bản sao ở Đại Anh Bác vật quán (Luân Đôn, Anh) để làm ra, và đặt tên là An Nam chí lược hiệu bản.

Năm 2012, An Nam chí lược hiệu bản lại được giới thiệu đầy đủ trong Tổng tập dư địa chí Việt Nam (tập 1) do nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành.